KTNĐ – Star Kitchen là một nhà hàng nhỏ chuyên về các món ăn tráng miệng và đồ ngọt ở trung tâm TP.HCM. Công trình cải tạo lại tầng trệt của căn nhà cũ vốn thuộc về một phần dự án xây dựng vào khoảng thập niên 90 – giữa hàng chục căn nhà được hình thành như một khối, trang trí bởi các chi tiết khá rườm rà như cột kiểu Hy Lạp và nhiều viền chỉ…

Những lối kiến trúc cầu kỳ và thiếu phù hợp như vậy thường không thực tế và dễ dàng bị lãng quên. Hiện trạng công trình là một dạng phổ biến của các ngôi nhà phố, có thể dễ dàng nhận dạng qua sự bảo an quá mức và sự lãng phí không gian với cầu thang ngay giữa nhà. Từ đó, việc thiết kế cải tạo tập trung vào hai yếu tố chính là diện mạo công trình và tổ chức không gian, với một chi phí rất hạn chế.

Diện mạo cho nhà hàng là một yếu tố rất quan trọng để tạo ra sự kết nối giữa công trình và khách hàng. Tiến trình được bắt đầu bằng sự giải phóng không gian bức bí phía trước nhà. Cánh cổng thép được bỏ đi, tạo thành một khoảng sân mở nho nhỏ. Cửa gỗ chính vào nhà không rõ rệt về phong cách (vừa cố theo kiểu Pháp lại vừa mang yếu tố Trung Hoa) cũng được thay thế bởi một hệ cửa – vách kính phân mảng, biểu tượng hóa sự đa dạng của mối quan hệ trong – ngoài. Một chiếc bàn đơn giản đặt xuyên qua cửa sổ tạo yếu tố bắt mắt từ ngoài đường vào nội thất bên trong, và đó cũng như chỗ dừng chân tạm thời cho hành khách.

Với điển hình khá dài và hẹp của nhà ống Việt Nam, cách bố trí cầu thang nằm ngay giữa, chia cắt không gian các tầng thành trước và sau, mang lại ánh sáng tự nhiên và thông thoáng cho toàn bộ không gian là khá phổ biến. Tuy nhiên, thiết kế này lại không thích hợp cho nhà hàng, đặc biệt là công trình nhỏ. Đơn vị thiết kế đã đề xuất phương án cải tạo lại cầu thang, nén khoảng không gian lớn đang bị chiếm đóng thành một lõi nhỏ, tạo ra một không gian hoàn toàn mới, đồng thời phân chia các không gian căn bản qua việc kéo dài các hạng mục xuyên suốt mặt bằng tầng trệt. Các yếu tố trang trí không cần thiết được loại bỏ triệt để.

Hệ cầu thang được làm bằng thép để giảm tải trọng vào kết cấu hiện tại. Hình dạng của cầu thang được xác định để tối ưu hóa luồng giao thông. Các mảng thép được nối dài ra phía sau, tạo thành quầy và một bếp mở, theo sau là bếp kín và kết thúc bằng mảng tường kho phía sau của công trình. Mặt khác, mảng thép kéo dài còn hình thành khu vực đặt bánh kem và tổ hợp bàn – quầy xuyên qua cửa sổ phía trước.

Cân nhắc trước khi thi công, mặt sàn hoàn thiện nội thất được giữ lại, trong khi phần phía ngoài được xếp đặt bằng những khối bê tông mới. Chủ đích về màu sắc không chỉ giúp tôn lên sự hấp dẫn của những chiếc bánh kem trên nền màu đen – xanh, nó còn tạo ra nét hài hòa với tinh thần của thép – chất liệu chính được sử dụng ở đây.

BÀI: Q.H.
ẢNH: HIROYUKI OKI